Gia Lai: Sử dụng đất đúng mục đích góp phần phát triển kinh tế bền vững
Sử dụng đất đai hiệu quả
Ông Huỳnh Minh Sở - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Gia Lai cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những công cụ giúp Nhà nước thực hiện quyền định đoạt trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đã góp phần tích cực vào việc phân bổ và sử dụng ngày càng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên đất đai.
Gia La sử dụng đất đúng mục đích góp phần phát triển kinh tế bền vững. |
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành căn cứ để tiến hành thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; hạn chế thấp nhất tình trạng giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất ngoài quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hạn chế rõ rệt việc tùy tiện chuyển đổi đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm diện tích đất có rừng hợp lý.
Việc chủ động dành quỹ đất cho phát triển các ngành, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch và dân cư; góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, ổn định tình hình xã hội. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng góp phần tạo việc làm và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của địa phương.
Theo ông Huỳnh Minh Sở, qua thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 2011 - 2020 đã góp phần tăng cường quản lý đất đai, khai thác nguồn thu từ đất đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước; công tác phân bổ quản lý, sử dụng đất bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Hướng đến phát triển bền vững
Để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030, việc khai thác, sử dụng và quản lý đất đai của tỉnh Gia Lai thời kỳ này được lập dựa trên hệ thống các quan điểm, đó là việc khai thác, sử dụng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần phải gắn với vấn đề quốc phòng an ninh, quán triệt phương châm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; đồng thời, chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất phải phù hợp với xu thế chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cần bố trí, ưu tiên quỹ đất cho phát triển các công trình hạ tầng kinh tế: Khu - cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hạ tầng xã hội: Y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao…; hạ tầng kỹ thuật: Giao thông, thủy lợi, nước sạch, năng lượng…. Ngoài ra, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cũng cần phải cân nhắc việc chuyển mục đích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa, đất có rừng sang các mục đích khác; khai thác sử dụng tài nguyên đất phải gắn với bảo vệ môi trường.
Để tiếp tục quản lý đất đai hiệu quả, hướng đến phát triển bền vững, quy hoạch sử dụng đất phải xác định rõ chỉ tiêu khống chế về diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt. UBND tỉnh Gia Lai đã giao cho UBND cấp huyện lập bản đồ, cắm mốc ngoài thực địa diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ và công khai đến từng đơn vị hành chính cấp xã; giao cho UBND cấp xã chịu trách nhiệm quản lý. Trong trường hợp cần thiết chuyển mục đích, các địa phương phải có kế hoạch bù đắp diện tích đất lúa đã bị mất và phải được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.
Đối với đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất rừng tự nhiên sản xuất, tỉnh Gia Lai cũng xác định rõ diện tích cần bảo vệ; xác định ranh giới, cắm mốc và giao cho các chủ rừng, công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng và UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm quản lý. Đối với đất khu, cụm công nghiệp, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục rà soát thực trạng sử dụng đất, thực hiện thu hút đầu tư để lấp đầy diện tích cho thuê, không bỏ trống đất đai gây lãng phí tài nguyên; chỉ thực hiện mở rộng, quy hoạch mới các khu, cụm công nghiệp khi đã lấp đầy khu, cụm công nghiệp hiện có.
Đối với đất phát triển hạ tầng, tỉnh Gia Lai ưu tiên bố trí đất để đầu tư phát triển hạ tầng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phân định rõ trách nhiệm và quản lý tốt diện tích xây dựng các công trình hạ tầng và đất hàng lang an toàn các công trình theo quy định.
Riêng đối với đất ở đô thị, tỉnh Gia Lai sẽ rà soát quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng bố trí không gian hợp lý, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nâng cao hệ số sử dụng đất./.