Giảm, giãn, gia hạn thuế động lực để doanh nghiệp phục hồi, phát triển
Doanh nghiệp đánh giá cao giải pháp hỗ trợ thuế, phí
Theo Tổng cục Thuế, việc triển khai thực hiện giảm thuế, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo các nghị quyết, nghị định của Quốc hội và Chính phủ đã hỗ trợ nguồn lực tài chính cho người dân và doanh nghiệp (DN) khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2022, ngành Thuế đã gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định 32/2022/NĐ-CP ước khoảng 6.370 tỷ đồng; gia hạn thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP với thuế giá trị gia tăng (GTGT) ước khoảng 51.321 tỷ đồng. Trong đó, số thuế DN, tổ chức đã nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) là khoảng 15.044 tỷ đồng, số thuế còn tiếp tục được gia hạn là khoảng 36.277 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) quý I, quý II/2022 phát sinh thuộc diện được gia hạn khoảng 40.000 tỷ đồng; số tiền thuế TNDN mà người nộp thuế (NNT) đã nộp vào NSNN là khoảng 30.000 tỷ đồng; số thuế còn tiếp tục được gia hạn là khoảng 10.000 tỷ đồng…
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Thế Dương |
Bên cạnh đó, một số chính sách mới hỗ trợ DN và người dân được ban hành và có hiệu lực trong năm 2022 như: giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ), thực hiện đến ngày 30/9/2022 ước tính làm giảm thu NSNN khoảng 16.000 tỷ đồng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay ước tính làm giảm thu khoảng 1.180 tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa ước tính làm giảm thu NSNN trong 9 tháng khoảng 13.920 tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, những gói hỗ trợ tài khóa trong hơn hai năm qua đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng khi trên thực tế có thể thấy, nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại với thu NSNN được cải thiện do DN phục hồi, có đóng góp vào nguồn thu. Có rất nhiều DN ghi nhận những quyết sách đúng đắn, nhanh chóng của Chính phủ, Quốc hội về các gói hỗ trợ.
Trong đó, các nhóm giải pháp về thuế, phí, tiền thuê đất được DN đánh giá cao vì dễ tiếp cận, thiết thực trong hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Song, các chính sách hỗ trợ về tài khóa chỉ góp phần giúp các DN tăng khả năng chống chọi tại một thời điểm chứ không thể vực dậy thay DN, nên về lâu dài, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ phi tài chính, cải cách thể chế hiệu quả để giúp gia tăng năng lực nội tại của chính bản thân các DN và khả năng tự phục hồi của nền kinh tế.
Tiếp tục hướng dẫn để các gói hỗ trợ phát huy hiệu quả hơn nữa
Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong thời gian tới, ngành Thuế cần tiếp tục tích cực hướng dẫn cụ thể các DN thực hiện các gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là hướng dẫn điều chỉnh kê khai thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ được giảm thuế từ 10% xuống 8% đối với các trường hợp người bán xuất sai hóa đơn.
Trong thực tế, việc giảm thuế GTGT 2%, chính là giảm giá bán sản phẩm dịch vụ tương ứng, người dân và DN mua hàng được thụ hưởng, nhưng một số DN bán hàng không muốn điều chỉnh hóa đơn xuất sai. Vì vậy, trên hợp đồng giá bán vẫn ghi thuế 10%, kê khai nộp thuế 10%… và họ cho là không vi phạm luật thuế. Trong trường hợp này, người bán không tuân thủ nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ dẫn đến người mua không được thụ hưởng chính sách giảm thuế, tương ứng với giảm giá hàng hóa, dịch vụ mua vào.
Vì vậy, cơ quan thuế kiểm tra các đơn vị bán hàng, thuộc đối tượng được giảm thuế nhưng không viết hóa đơn để giảm thuế cho DN. Trong trường hợp đó, cơ quan thuế phải yêu cầu kê khai điều chỉnh hóa đơn GTGT, điều chỉnh thuế và có cơ chế phạt các đơn vị không thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Cùng với đó, cơ quan thuế hướng dẫn, rà soát tất cả gói giải pháp mà DN được hưởng lợi, ví như chi phí hỗ trợ về Covid-19, chi phí phòng chống dịch…, những chi phí được trừ khi tính thuế TNDN hoặc không phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để DN được hưởng lợi đầy đủ theo quy định.
Bà Cúc cho rằng, vào thời điểm gần cuối năm, cần có chương trình tuyên truyền phù hợp hướng dẫn NNT rà soát điều chỉnh lại hóa đơn chứng từ GTGT, xác định chi phí tính thuế TNDN, xác định mức chi phí khống chế chi phí lãi tiền vay của các đơn vị có giao dịch liên kết; ưu đãi thuế TNDN, xác định thu nhập chịu thuế TNCN, phân bổ thuế, khấu trừ thuế TNCN…
Do số lượng cán bộ thuế có hạn, số lượng NNT, DN, hộ cá nhân kinh doanh tương đối lớn, vậy nên bên cạnh hỗ trợ của cơ quan thuế thì kết hợp với hệ thống đại lý thuế, với khoảng trên 800 DN trên toàn quốc, các đại lý thuế sẽ ký hợp đồng với NNT và hỗ trợ giúp NNT thực hiện kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế, xử lý nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế… sẽ giúp cơ quan thuế các khoản thu nộp NSNN, cũng như quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn.
Hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng
Theo Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, trong điều kiện các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Đáng chú ý, các khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng, đóng góp hiệu quả vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%. |