Năm 2022, thu ngân sách đã vượt gần 20% so với dự toán
Năm 2022, thu ngân sách đã vượt gần 20% so với dự toán. Ảnh: TL |
Chiều 19/12, Bộ Tài chính tổ chức tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị.
Thực hiện miễn, giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất
Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Tài chính nêu rõ, năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước; cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động và chỉ đạo triển khai quyết liệt ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2022.
Cùng với việc tổ chức thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo các văn bản đã ban hành từ cuối năm 2021 có hiệu lực thi hành trong năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành nhiều chính sách nhằm miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp.
Trước diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng nhanh từ cuối tháng 2/2022, gây áp lực lên lạm phát, tăng chi phí hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn.
Dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng.
Tính đến ngày 15/12/2022, đã thực hiện miễn, giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, gồm: số tiền gia hạn khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng (số thuế gia hạn đã nộp NSNN khoảng 76,33 nghìn tỷ đồng); số tiền miễn, giảm khoảng 87,5 nghìn tỷ đồng.
Với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế, kết hợp với tăng cường công tác quản lý thu, đã tác động tích cực đến kết quả thu NSNN năm 2022. Tính đến ngày 15/12/2022, thu NSNN đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10, 11/2022). Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán; thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán. Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục phấn đấu thu NSNN đạt ở mức cao hơn.
Dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43-44% GDP
Ngay từ cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2022, đảm bảo chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Bộ Tài chính đã chủ trì hoặc phối hợp với các bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Để đảm bảo nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung 6.840 tỷ đồng thực hiện Chương trình từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021. Đồng thời, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; kiên quyết cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình. Tổng hợp số cắt giảm của các bộ, cơ quan trung ương được khoảng 533 tỷ đồng.
Ước tính năm 2022, bội chi NSNN (bao gồm Chương trình phục hồi) thực hiện phấn đấu khoảng 4% GDP.
Dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43-44% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP.
Với các kết quả nổi bật nêu trên, có thể khẳng định, năm 2022 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính –NSNN./.