Nhiều rào cản trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi cần được gỡ bỏ
Nhiều tồn tại cần tháo gỡ
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Nghị định số 129/2017/NĐ-CP (NĐ 129), từ ngày 1/1/2018, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi (TSKCHTTL) được phân cấp rất rõ ràng. Theo đó, đối với các công trình thủy lợi lớn, quan trọng của trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý và giao cho doanh nghiệp khai thác, Tổng cục Thủy lợi là cơ quan quản lý, các doanh nghiệp thủy lợi là đối tượng khai thác.
Theo kết quả tổng hợp từ Bộ NN&PTNN cùng 48 tỉnh, thành trong cả nước, qua 4 năm thực hiện NĐ 129, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, sử dụng và khai thác TSKCHTTL đã bộc lộ nhiều tồn tại cần tháo gỡ. Cụ thể, một số tỉnh chưa thực hiện giao TSKCHTTL cho cơ quan chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi. Nguyên nhân là do các cơ quan này không đủ nhân lực để kiểm soát hồ sơ tài sản, hạch toán kế toán tài sản theo quy định.
Hồ Bản Mồng - công trình thủy lợi lớn nhất Nghệ An. |
Hơn nữa, hầu hết hồ sơ TSKCHTTL đều thiếu (hồ sơ thiết kế, hồ sơ quyết toán công trình ban đầu, hồ sơ quản lý đất đai và tài sản công trình) do công trình xây dựng đã lâu, không có hoặc thất lạc hồ sơ. Một số công trình thủy lợi do hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý không xác định được nguồn gốc tài sản (thuộc Nhà nước hay nhân dân). Một số công trình sau khi quyết toán, chủ đầu tư không cung cấp hồ sơ công trình cho đơn vị quản lý, sử dụng.
Theo quy định tại NĐ 129, trường hợp TSKCHTTL chưa có thông tin về nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản thì xác định theo giá quy ước do Bộ NN&PTNN quy định trên cơ sở giá trị của công trình có cấp kỹ thuật tương đương. Tuy nhiên, đến nay, Bộ NN&PTNN chưa ban hành quy định về giá quy ước để xác định giá trị tài sản. Điều này gây khó khăn cho các địa phương trong hạch toán, kế toán và theo dõi tài sản.
Đặc biệt, công tác bảo trì, sửa chữa nhỏ hàng năm chưa được thực hiện đầy đủ do ngân sách các tỉnh còn khó khăn, không có nguồn để bố trí. Một số địa phương trích từ nguồn kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi của đơn vị để bảo trì công trình thủy lợi. Hoặc tại một số địa phương, việc bảo trì được phân theo khối lượng công việc, nếu là khối lượng công việc nhỏ, đơn giản, đơn vị được giao khai thác tự thực hiện; nếu khối lượng công việc lớn yêu cầu kỹ thuật phức tạp, đơn vị lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện.
Thu hồi tài sản nếu vi phạm pháp luật trong quá trình khai thác
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, với những bất cập này, Bộ Tài chính đang dự thảo nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác TSKCHTTL.
Tại dự thảo, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các quy định về giao tài sản, khai thác tài sản đã đặc biệt lưu ý về quy định bảo trì và xử lý TSKCHTTL. Theo đó, dự thảo nghị định quy định, chi phí bảo trì được tính vào giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đối với tài sản được giao cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước (theo hình thức không ghi vốn/tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp) theo quy định của Chính phủ; trừ trường hợp cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác TSKCHTTL, tài sản giao cho doanh nghiệp nhà nước theo hình thức ghi vốn/ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trường hợp chi phí bảo trì không tính đủ vào giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi thì Bộ NN&PTNT, UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể để xem xét, quyết định bố trí kinh phí bảo trì từ ngân sách nhà nước. Việc bố trí, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Về xử lý TSKCHTTL, dự thảo nghị định kế thừa 5 hình thức xử lý tại NĐ 129 gồm: thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại. Trong đó, bổ sung quy định thu hồi tài sản trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình khai thác theo các hình thức cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác TSKCHTTL và hợp tác kinh doanh khai thác quỹ đất, mặt nước thuộc TSKCHTTL.
Dự thảo bỏ quy định bán trong trường hợp “Chuyển mục đích sử dụng đất gắn với chuyển đổi công năng sử dụng TSKCHTTL theo quy hoạch được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt”. Đồng thời, quy định đối với trường hợp TSKCHTTL được xử lý theo hình thức bán thì tổ chức, đơn vị mua tài sản phải tiếp tục sử dụng tài sản vào mục đích thủy lợi theo quy định; bổ sung hình thức xử lý “chuyển giao tài sản về địa phương quản lý, xử lý” do có TSKCHTTL thuộc trung ương quản lý.
Dự thảo nghị định cũng bỏ hình thức “sử dụng tài sản để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao” tại NĐ 129 vì pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP) không còn hình thức đầu tư xây dựng theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (Hợp đồng BT)./.