Phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công: Chuyển biến từ nhận thức cho đến thực tiễn
Phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công: Chuyển biến từ nhận thức cho đến thực tiễn. Ảnh: TL |
Có cơ cơ sở pháp lý đồng bộ và đầy đủ
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, từ khi Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, đến nay là Luật Quản lý, sử dụng TSC đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ để thực hiện công tác quản lý, sử dụng TSC. Đồng thời, đã tạo ra cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng TSC phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội, tính chất quản lý, sử dụng TSC cũng như năng lực quản lý của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị.
Công tác quản lý, sử dụng TSC cũng được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương chú trọng, quan tâm triển khai thực hiện. Từ nhận thức cho đến thực tiễn có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng TSC. Theo đó, ngay từ đầu các năm, tại các bộ, ngành, địa phương đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng TSC, cũng như thông báo đến các đơn vị thuộc và trực thuộc kế hoạch mua sắm, bảo dưỡng và sửa chữa TSC. Đơn cử như Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, ngay từ đầu năm 2024 đã có công văn gửi đến hiệu trưởng các trường trung học phổ thông công lập và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở về việc chấp thuận cho đơn vị thực hiện kế hoạch mua sắm, bảo dưỡng và sửa chữa TSC năm 2024 (theo danh mục chi tiết đính kèm của từng đơn vị) đối với nguồn kinh phí đơn vị tự cân đối (kinh phí thường xuyên, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nguồn hợp pháp khác)… giúp cho các đơn vị có kế hoạch mua sắm TSC hợp lý, phục vụ hiệu quả công việc chuyên môn.
Hoặc như Trung tâm Y tế huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện báo cáo công khai việc quản lý, sử dụng TSC tại đơn vị theo từng tháng. Tại báo cáo, Trung tâm Y tế huyện Lục Nam đã công khai các tài sản tăng, giảm, cũng như đánh giá chi tiết về tình hình quản lý, sử dụng TSC của đơn vị, từ đó có những điều chỉnh hợp lý trong quản lý, sử dụng để phát huy cao nhất nguồn lực TSC đang được đơn vị quản lý và sử dụng.
Đặc biệt, trước những khó khăn, lúng túng trong xử lý TSC là các trụ sở dôi dư sau sáp nhập, chuyển địa điểm mới, dẫn đến lãng phí, bỏ hoang nhiều cơ sở nhà, đất, Bộ Tài chính đã hướng dẫn việc bàn giao, tiếp nhận tài chính, tài sản và trụ sở làm việc của các đơn vị đảm bảo hiệu quả, không thất thoát tài sản nhà nước. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đôn đốc các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, bố trí sử dụng, xử lý tài sản dôi dư theo đúng quy định của pháp luật, chuyển cho địa phương quản lý.
Ngoài những hướng dẫn chung về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, với từng trường hợp cụ thể, Bộ Tài chính cũng có các quyết định phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương.
Không còn tình trạng tài sản mua về rồi “đắp chiếu để đấy”
Quy định về phân cấp quản lý TSC được thực hiện xuyên suốt từ khi có Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đến nay theo nguyên tắc tài sản do cấp nào quản lý thì cấp đó quyết định đầu tư, mua sắm đã giúp cho việc quản lý, sử dụng TSC tại từng cơ quan, đơn vị đi vào thực chất. Tình trạng tài sản mua về rồi “đắp chiếu để đấy” đã không còn.
Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện việc sắp xếp lại nhà, đất, xe ô tô còn chậm ở cả khâu phê duyệt về tổ chức thực hiện. Ở một vài nơi vi phạm trong quản lý, mua sắm, xử lý TSC còn diễn ra. Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng cho đối tượng quản lý còn chậm, ảnh hưởng tới công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản. Việc chấp hành chế độ báo cáo, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSC còn chưa nghiêm…
Nhằm phát huy hiệu quả của TSC khi đưa vào sử dụng, Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát, đánh giá cơ chế, chính sách làm cơ sở hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng TSC, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do nhà nước đầu tư, quản lý theo Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Với việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm; nhiều trụ sở công chưa được sử dụng sau sắp xếp có nguyên nhân là việc xác định giá đất khởi điểm bán đấu giá rất phức tạp do công năng, giá trị sử dụng, vị trí của trụ sở không phù hợp với mục đích kinh doanh, thương mại. Để khắc phục, Thủ tướng Chính phủ đã giao chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng sử dụng trụ sở công ở đơn vị hành chính và dự kiến sắp xếp. Các địa phương rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp sắp xếp, xử lý trụ sở.
Về phía Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Bộ đã xây dựng và đang tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng TSC để trình Chính phủ ban hành. Khi nghị định được ban hành sẽ giải quyết cơ bản vướng mắc của các đơn vị như: Nghĩa vụ tài chính, tiền thuê đất, việc sử dụng vào mục đích phục vụ dịch vụ công và sử dụng tài sản phục vụ mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết...
Tuy nhiên, cũng theo ông Thịnh, lĩnh vực TSC liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Ngoài ra, trách nhiệm quản lý TSC thuộc nhiều ngành, nhiều cấp và thuộc trách nhiệm của người trực tiếp quản lý TSC. Do đó, để việc quản lý, sử dụng TSC ngày càng đạt hiệu quả cao, tiết kiệm, chống lãng phí, giải pháp trước tiên và quan trọng nhất là phải nâng cao trách nhiệm quản lý TSC và việc quản lý, sử dụng TSC phải được cụ thể hóa, cá thể hóa đến từng người, từng cơ quan, đơn vị.