Quảng Nam: Quản lý đất đai đi vào nề nếp
Quảng Nam: Quản lý đất đai đi vào nề nếp. Ảnh: TL |
Kiến nghị thu hồi 13,74ha đất
Ngày 18/1, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch công tác của ngành năm 2022. Ông Trần Thanh Hà – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2021, Sở TN&MT đã đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục, các dịch vụ công trực tuyến.
Theo đó, triển khai 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý và giải quyết của sở, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích tập trung ở các thủ tục cấp đổi, cấp lại giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, trong năm 2021, Sở TN&MT đã triển khai 32 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về TN&MT đối với 52 đơn vị và kiến nghị thu hồi 13,74ha đất; kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và phải nộp tiền tương ứng với thời gian gia hạn 24 tháng đối với 3 đơn vị; kiến nghị tạm dừng khai thác khoáng sản đối với 1 đơn vị; kiến nghị thu hồi số lợi bất hợp pháp hơn 714 triệu đồng đối với 9 tổ chức và 2 cá nhân. Tính đến thời điểm báo cáo, 7 tổ chức đã thực hiện nộp lại số lợi bất hợp pháp với tổng số tiền hơn 252 triệu đồng...
Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đo đạc bản đồ trong năm đã giải quyết 286 hồ sơ hợp đồng thuê đất, 405 hồ sơ đăng kí thế chấp và xoá thế chấp. Đối với hộ gia đình, cá nhân đã tiếp nhận, giải quyết hơn 113.463 hồ sơ; chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho 1459 trường hợp với tổng diện tích 83,4ha; thu hồi hơn 421 ha đất…
Đối với công tác giá đất, Sở đã thực hiện kiểm tra thẩm định, lập thủ tục trình UBND các cấp có thẩm quyền phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất, giá đất tái định cư và giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất của 95 dự án.
Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tăng cường kiểm tra giám sát
Năm 2022, Sở TN&MT Quảng Nam tiếp tục kiện toàn Văn phòng Đăng ký đất đai trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT vào Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Nam trực thuộc Sở và đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra giám sát.
Trong lĩnh vực khoáng sản, Sở TN&MT tiếp tục kiến nghị Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, tổ chức Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu; rà soát các khu vực đã hết thời gian khai thác khoáng sản để có biện pháp đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ. Đồng thời, xây dựng Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh và Quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với các tỉnh thành phố giáp ranh.
Trong lĩnh vực môi trường, Sở TN&MT xây dựng kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến năm 2025. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các Dự án xử lý Chất thải rắn trên địa bàn, đóng cửa bãi rác Đại Hiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, Sở tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện thu gom xử lý chất thải phát sinh tương ứng với từng cấp độ dịch…
Được biết, ngay từ đầu năm 2021, tỉnh Quảng Nam ban hành Chỉ thị số 19 áp dụng biện pháp mới để tăng cường quản lý đất đai. Chỉ thị số 19 của tỉnh Quảng Nam quy định, chính quyền địa phương có thẩm quyền cấp phép xây dựng; lập thủ tục tách thửa để chuyển nhượng, cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại các khu vực phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng và các quy định hiện hành của Nhà nước. Các địa phương vùng đông đang gấp rút kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp và các đối tượng sử dụng đất.
Theo báo cáo từ các địa phương, ngay sau khi chính quyền ra thông báo về Chỉ thị số 19, nhu cầu đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất của người dân một số xã vùng Đông tăng đột biến.
Cùng với việc tăng cường quản lý đất đai, xây dựng thì Sở TN&MT Quảng Nam tiếp tục hoàn thiện để hiện đại hóa sơ sở dữ liệu quản lý đất đai vùng Đông của tỉnh; xem xét giải quyết dứt điểm các hồ sơ đất đai còn tồn đọng, nhất là cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường trách nhiệm của xã (phường) trong xác nhận tình trạng pháp lý của thửa đất (như quy hoạch, tranh chấp, thời điểm sử dụng đất...) cũng như phối hợp “3 bên” (đơn vị tư vấn đo đạc, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện và UBND xã). Do vậy, để hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đất đai vượt cấp, chính quyền địa phương phải nắm và công khai từng loại quy hoạch để nhân dân biết, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ liên quan khi làm thủ tục hồ sơ đất đai.
Sau gần 8 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quy hoạch, phát triển quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất... trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả hơn, từ đó đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. |