Quốc hội tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng
Quốc hội tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng. Ảnh: TL |
Doanh thu dưới 200 triệu đồng mỗi năm không phải chịu thuế
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) theo chương trình phiên họp ngày 20/10/2024 của Kỳ họp thứ 8, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã giải thích về nhiều sửa đổi tại dự thảo Luật.
Cụ thể, về các trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, theo UBTVQH, chính sách này đã phát huy hiệu quả phòng tránh gian lận, hoàn thuế GTGT trong xuất khẩu sản phẩm nông sản chưa chế biến, đặc biệt trong giai đoạn cách đây hơn 10 năm, khi các doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang áp dụng chế độ hoá đơn giấy tự tạo.
Hiện nay, chế độ hoá đơn giấy tự tạo đã được xoá bỏ, các doanh nghiệp đã chuyển sang áp dụng hoá đơn điện tử có kết nối mạng trực tiếp với cơ quan Thuế.
Cơ quan Thuế có thể liên tục cập nhật các hoá đơn được phát hành, kịp thời theo dõi tình hình thu, nộp ngân sách, nâng cao chất lượng kiểm soát và khắc phục tình trạng gian lận hoá đơn.
Vì thế, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về điều kiện để được hoàn thuế tại khoản 9 Điều 15: “trường hợp hàng hoá chưa được người bán kê khai nộp thuế GTGT thì cơ sở kinh doanh không được hoàn” để bảo đảm không xảy ra gian lận hoàn thuế GTGT khi thuế đầu vào chưa được nộp vào NSNN.
Theo UBTVQH, trong điều kiện quản lý mới này, chính sách cho phép các doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là không còn cần thiết và phù hợp.
Bên cạnh đó, nếu bỏ quy định này cũng sẽ tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất nông sản lớn như các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tăng thêm nguồn thu ngân sách. Vì vậy, UBTVQH đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bỏ quy định này tại khoản 1 Điều 5.
Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết và cần được quy định trong Luật.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến, dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở xuống.
Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Chuyển phân bón sang áp dụng thuế suất 5%
Về thuế suất 0%, báo cáo của UBTVQH cho hay, theo thông lệ chung, thuế GTGT được đánh theo nguyên tắc điểm đến, tức là hành vi tiêu dùng ở đâu thì chịu thuế ở đó.
Vì vậy, UBTVQH quy định rõ trong dự thảo Luật (tại điểm c khoản 1 Điều 9) về các trường hợp cung cấp hàng hoá cho các khách hàng nước ngoài được áp dụng thuế suất 0% nhất thiết phải được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, không bao gồm trường hợp hàng hoá được giao dịch giữa các đối tác trong nước theo chỉ định của thương nhân nước ngoài và thực chất được tiêu dùng trong nước để tránh lợi dụng, gây thất thu ngân sách.
Đối với sản phẩm có nội dung thông tin số xuất khẩu, UBTVQH đề nghị tiếp tục áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu như quy định hiện hành.
Nhưng quy định tại dự thảo Luật được chỉnh lý để thể hiện nội dung này một cách rõ ràng hơn nhằm tạo thuận lợi cho thực hiện.
Về thuế suất 5%, UBTVQH đề nghị được giữ như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 với quy định chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất 5%.
Về hoàn thuế GTGT, có ý kiến đề nghị cân nhắc thấu đáo sự cần thiết của việc bổ sung quy định cho phép hoàn thuế đối với các trường hợp hàng hoá nhập khẩu sau đó làm thủ tục xuất khẩu sang nước khác.
Nhưng theo báo cáo của UBTVQH, thực tế đã có các trường hợp lợi dụng quy định này, nhập khẩu hàng hoá về, thay nhãn mác Việt Nam và xuất khẩu đi nước khác (gian lận về xuất xứ) đã được cơ quan Hải quan phát hiện.
Những hoạt động như vậy có nguy cơ cao dẫn đến các hành vi gian lận xuất xứ để thu lợi từ mức chênh lệch thuế nhập khẩu.
Trong bối cảnh này, chính sách cho phép hoàn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam rồi làm thủ tục xuất khẩu luôn sang nước thứ ba có nguy cơ làm gia tăng tranh chấp thương mại với các đối tác lớn và dễ bị các đối tượng lợi dụng, gian lận về xuất xứ, làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng hoá Việt Nam như một số trường hợp đã bị cơ quan Hải quan phát hiện.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý lại để loại trừ, không cho phép hoàn thuế đối với các trường hợp này tại khoản 1 Điều 15.