Tháo gỡ các rào cản để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, phục vụ phát triển kinh tế
Bên lề buổi làm việc trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công với 6 tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau) của Tổ công tác số 5 của Chính phủ trong ngày 10/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Tổ trưởng Tổ công tác số 5, đã trao đổi với các cơ quan báo chí về thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.
PV: Qua buổi làm việc với 6 tỉnh về công tác giải ngân vốn đầu tư vừa diễn ra, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về công tác giải ngân của 6 tỉnh này? Với tư cách là tổ trưởng tổ công tác của Chính phủ, ông và Bộ Tài chính sẽ có những hỗ trợ gì để đảm bảo cho giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương này đạt đúng kế hoạch đề ra, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Hiện nay, công tác giải ngân đầu tư công tương đối chậm, tính đến 30/11/2021 cả nước mới giải ngân được 65,7% kế hoạch. Đặc biệt đối với khu vực 6 tỉnh mà tôi được giao làm tổ trưởng tổ công tác của Chính phủ, qua công tác kiểm tra cho thấy những nguyên nhân chủ yếu khiến giải ngân thấp là do công tác chuẩn bị đầu tư chậm và bị động.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Trưởng đoàn Tổ công tác số 5 của Chính phủ về đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chủ trì buổi làm việc trực tuyến với 6 địa phương, ngày 10/12/2021. Ảnh: Đức Minh |
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng do công tác phân bổ vốn chậm. Thứ hai là công tác xây dựng dự án, thẩm định, phê duyệt dự án và phê duyệt các thủ tục đầu tư như thiết kế dự toán, hồ sơ mời thầu, tiến hành đấu thầu, đặc biệt là phần giải phóng mặt bằng chậm,… cho nên ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Nguyên nhân mang tính khách quan là trong thời gian vừa qua một số giá vật liệu tăng đột biến, ví dụ như giá thép, giá cát, sỏi tăng,… tác động khiến các nhà thầu dừng lại, chờ giá vật liệu xuống để tiếp tục thi công.
Vấn đề thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid -19 cũng ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ đề ra mục tiêu đến hết năm 2021 tốc độ giải ngân phải đạt tối thiểu 95%. Do vậy, chúng tôi đã chỉ đạo các tỉnh, các đơn vị phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời cùng với các bộ, ngành để tháo gỡ những nút thắt, đảm bảo cho đầu tư công một cách hiệu quả và giải ngân đầu tư công đạt kế hoạch đề ra.
Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đảm bảo những vấn đề về nguồn vốn để giải ngân, hướng dẫn những thủ tục thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình. Chúng tôi sẽ có một tổ thường trực luôn sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tỉnh trong thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
PV: Thưa Bộ trưởng, những nội dung cụ thể mà Bộ Tài chính sẽ tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh là gì?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Liên quan tới giải ngân vốn đầu tư công bằng nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ODA, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; tham mưu với Chính phủ về sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài,… để giảm thủ tục hành chính trong vấn đề giải quyết vốn ODA.
Bộ Tài chính thực hiện các hướng dẫn về liên quan tới giải ngân công trình, quyết toán các dự án đầu tư công và chuẩn bị kinh phí một cách đầy đủ cấp cho các chủ đầu tư, các tỉnh để chủ động cho giải ngân khi có quyết định.
Quang cảnh buổi làm việc tại điểm cầu Bộ Tài chính. Ảnh: Đức Minh |
PV: Thưa Bộ trưởng, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng diễn ra, vậy theo Bộ trưởng cần có giải pháp gì để giải quyết triệt để vấn đề giải ngân trong các năm sau?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chúng tôi nghĩ vấn đề hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là vấn đề hết sức quan trọng. Ví dụ như, tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để giải phóng mặt bằng đi trước một bước. Theo đó khi dự án được đấu thầu, công trình được đấu thầu và ký hợp đồng thi công, nhà đầu tư sẽ làm luôn. Như vậy tiến độ sẽ rất nhanh, công trình cũng đảm bảo liên hoàn, chất lượng tốt hơn, thời gian đưa vào sử dụng sớm hơn và phát huy được hiệu quả hơn.
Còn nếu không tách ra thì khi phê duyệt dự án rồi mới giải phóng mặt bằng, sớm nhất cũng từ 3 đến 6 tháng, thậm chí mất đến hàng năm cho công tác giải phóng mặt bằng. Cho nên rất khó khăn trong vấn đề đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng công trình, dẫn đến việc chậm đưa công trình vào sử dụng, không phát huy được hiệu quả và vốn đầu tư công sẽ ứ đọng.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!