Đồng bộ các giải pháp tài khóa phòng, chống dịch Covid-19
Việc vừa đảm bảo đủ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa hỗ trợ bằng các chính sách giảm, giãn thuế, phí và lệ phí cho thấy sự chủ động, tích cực của Bộ Tài chính, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.
Đã chi hơn 21 nghìn tỷ đồng phòng, chống dịch Covid-19
Theo Bộ Tài chính, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo đời sống cho người dân; đảm bảo cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết phục vụ cho công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tính cả số 16,83 nghìn tỷ đồng đã chi năm 2020, đến nay ngân sách nhà nước (NSNN) đã chi khoảng 21,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
Nhiều đối tượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế, phí, lệ phí để có thêm nguồn lực vượt qua khó khăn. Ảnh: TL. |
Đến nay, dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 đã chi 2 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19, trong đó bổ sung 1.740 tỷ đồng kinh phí cho Bộ Y tế để mua vắc xin (1.237 tỷ đồng), mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (503 tỷ đồng); hỗ trợ 317 tỷ đồng cho các địa phương.
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020 để mua vắc-xin phòng Covid-19. Đồng thời, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19.
Việc thành lập quỹ này để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cùng với nguồn NSNN đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ mua, nhập khẩu vắc-xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19.
Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính quỹ; quyết định thành lập Ban Quản lý quỹ, mở tài khoản quỹ tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại để sẵn sàng tiếp nhận các khoản đóng góp từ doanh nghiệp và người dân.
Kết quả thực hiện đến trưa ngày 2/7/2021, quỹ đã huy động được 7.988 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi) của hơn 357 nghìn tổ chức, cá nhân.
Gỡ nhanh cả về cơ chế
Cùng với việc kịp thời bố trí nguồn cho các hoạt động phòng, chống Covid-19, Bộ Tài chính cũng đã ngay lập tức có hướng dẫn, tháo gỡ về cơ chế, để các địa phương sớm mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Trong trường hợp cấp bách, địa phương có thể thực hiện chỉ định thầu.
Theo đó, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương chủ động bố trí nguồn lực của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Trong tổ chức thực hiện, nếu khó khăn về cân đối ngân sách địa phương, UBND tỉnh kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính để xem xét xử lý theo quy định.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu cơ quan tài chính và kho bạc nhà nước các cấp tại địa phương thực hiện quản lý kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật, không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong việc mua sắm…
Mới đây, Bộ Tài chính đã tiếp tục thực hiện lời hứa của mình khi rà soát chính sách và ban hành thông tư giảm 30 khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021 (chính sách hiện hành chỉ thực hiện đến hết tháng 6/2021), với nhiều loại giảm mạnh, mức giảm lên đến 50% mức thu trước thời điểm có dịch Covid-19.
Theo TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021.
Đáng chú ý, tại nghị định này, đối tượng áp dụng rộng rãi, không chỉ doanh nghiệp bị tác động nặng nề của Covid-19 như dịch vụ bán lẻ, logistic, du lịch mà kể cả những doanh nghiệp bị tác động ít hơn như khai khoáng... cũng được thụ hưởng.
“Đây là điều khá đặc biệt, thể hiện sự bình đẳng, không phân biệt giữa các loại hình kinh doanh khác nhau trên thị trường, đồng thời thể hiện ý chí quyết tâm, chia sẻ và đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp từ phía Chính phủ” - ông Tô Hoài Nam cho biết.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã đồng tình đánh giá cao những nỗ lực thời gian qua của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong triển khai kịp thời, linh hoạt các giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp. Việc giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí trong bối cảnh khó khăn như hiện nay sẽ có ý nghĩa hết sức nhân văn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thêm nguồn vốn, đầu tư vào sản xuất kinh doanh, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng./.