Dòng tiền vào bất động sản đang có xu hướng dịch chuyển từ miền Nam ra phía Bắc
Nguồn vốn vẫn đang trên đà tăng
Ngày 13/12 trên nền tảng trực tuyến Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2021 (VRES 2021) đã diễn ra với chủ đề “Bắt mạch sức khỏe - Tổng quan thị trường bất động sản 2021”.
Tại hội nghị, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết trong 11 tháng vừa qua đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Tuy vậy, trong cái khó chung, thị trường cũng có nhiều triển vọng. Nổi bật là giá bất động sản hầu như không giảm, ngược lại bất động sản nhà ở còn tăng từ 5-9%, tùy địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do khan hiếm nguồn cung, trong khi cầu không giảm...
Cùng với đó, giá bất động sản công nghiệp cũng tăng từ 3-18%, tùy từng địa phương. Bất động sản khu công nghiệp, logistics, nhà ở... vẫn khả quan. Giá nguyên vật liệu dự báo sẽ dịu dần, cơn sốt bất động sản được kiểm soát.
Đáng chú ý, nguồn vốn “đổ” vào bất động sản trong năm 2021 vẫn khả quan. Trong đó, nguồn vốn tín dụng bất động sản quý III/2021 tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020; tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký mới vào bất động sản đạt gần 2 tỷ USD (chiếm khoảng 11%)…
Theo ông Lực, hiện dòng vốn vào bất động sản vẫn đang trên đà tăng lên. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, việc triển khai hàng loạt dự án hạ quy mô sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh.
“Dự báo, giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công lên tới 2,87 triệu tỷ đồng, hy vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016-2020. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải thích ứng và phải linh hoạt hơn”- ông Lực chia sẻ.
Các chuyên gia chia sẻ tại hội nghị |
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Anh- Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho rằng thế mạnh của bất động sản Việt Nam là nhu cầu về nhà ở, giao dịch mua bán trong dân vẫn rất lớn, không hề suy giảm vì dịch bệnh.
Dự báo về xu hướng đầu tư bất động sản năm 2022, chuyên gia Nguyễn Quốc Anh cho rằng thời gian tới, dòng tiền vào bất động sản sẽ dịch chuyển từ miền Nam ra miền Bắc.
Theo ông Quốc Anh, trước đây, dòng tiền đầu tư vào TP.Hồ Chí Minh rất nhiều và đa phần đến từ Hà Nội. Tuy nhiên, từ giữa năm 2020, dòng tiền đó có xu hướng rút về Hà Nội, nhất là phân khúc thổ cư, chung cư có mặt bằng giá tốt.
So sánh thị trường giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong năm 2021 cho thấy giá rao bán nhà riêng tại Hà Nội tăng khoảng 12% so với năm 2020. Trong khi đó, giá rao bán tại TP.Hồ Chí Minh chỉ tăng khoảng 2%. Mức độ quan tâm, tìm kiếm nhà mặt phố bán tại Hà Nội cũng được ghi nhận mức tăng 42% so với năm 2019, trong khi TP.Hồ Chí Minh giảm 33%.
IPO sẽ trở thành xu hướng chủ đạo
Chia sẻ về các kênh huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Vũ Trường - lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Kế toán Tài chính, EY Đông Dương cho rằng: "Việc IPO và huy động vốn trên sàn chứng khoán thời gian tới sẽ là một xu thế tất yếu. Bởi nếu nhìn vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan đến việc cho vay hay phát hành trái phiếu sẽ ngày càng chặt chẽ hơn và kênh huy động này sẽ càng ngày càng khó khăn hơn".
Tuy nhiên, theo ông Trường, việc IPO có đem lại hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc vào chính sự chuẩn bị của bản thân các doanh nghiệp. Đây sẽ là một kênh huy động vốn cực kỳ tốt nếu doanh nghiệp chuẩn bị tốt. Bởi khi đã lên sàn nghĩa là mọi thứ đều phải minh bạch, các thông tin của doanh nghiệp tới nhà đầu tư đều phải rõ ràng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, trong bối cảnh tín dụng và trái phiếu bị siết chặt, IPO là một xu hướng chủ đạo mà các doanh nghiệp sẽ phải hướng đến trong thời gian tới.
“Về dài hạn, trong khoảng 5 - 10 năm tới, việc chứng khoán hóa bất động sản (chia nhỏ bất động sản để huy động vốn) thông qua các quỹ đầu tư sẽ được quan tâm. Ngoài ra, còn một xu hướng nữa liên quan đến việc phát triển các đồng tiền kỹ thuật số để ứng dụng trong lĩnh vực bất động sản. Đây sẽ là những kênh để doanh nghiệp huy động thêm vốn. Trên thế giới, xu hướng này đã bắt đầu manh nha”- ông Quốc Anh chia sẻ.
Xét về tỷ trọng, theo ông Quốc Anh, nguồn vốn đến từ ngân hàng và trái phiếu vẫn chiếm chủ đạo và quan trọng nhất. Tuy nhiên, thời gian tới có thể nguồn vốn từ hai kênh này sẽ giảm và nguồn vốn liên quan đến hoạt động IPO sẽ tăng lên. Ngoài ra còn một nguồn vốn tiềm năng nữa đến từ các khách hàng, bởi họ chính là những người mua sản phẩm cuối cùng.
Còn theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nguồn vốn trên thị trường bất động sản năm vừa qua vẫn rất tích cực. Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hai năm tới, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000 – 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở.
Theo ông Lực, đây sẽ là một cú huých rất tốt với mức lãi suất tương đối ưu đãi, có thể thấp hơn thị trường hiện nay khoảng 3 - 4%. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang làm đầu mối chủ trì để trình Chính phủ thông qua chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030.
Theo ông Lực, thị trường vốn của Việt Nam đang phát triển rất tích cực. Trái phiếu doanh nghiệp cũng phải phát triển mạnh và doanh nghiệp cũng đã đa dạng hóa nguồn vốn huy động của mình cả ở trong và ngoài nước.
"Chúng tôi cũng đang đề xuất với Chính phủ về lâu dài cần phải có các quỹ như Quỹ Tín thác bất động sản, Quỹ Tiết kiệm nhà ở và Quỹ Phát triển nhà ở. Đây đều là những mô hình mà các nước triển khai tương đối tốt trong thời gian vừa qua"- ông Lực cho biết./.