Giải ngân vốn đầu tư công: Đã có sự thay đổi tích cực
Quảng Ngãi đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao
Theo tổng hợp báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện Quảng Ngãi đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao khi hết tháng 9/2022 đạt 85,85% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (trên 4.501,5 tỷ đồng) và bằng 61,9% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao (trên 6.234,7 tỷ đồng). Tỷ lệ này cho thấy sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh cho việc giải ngân vốn đầu tư để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, vừa góp phần cùng cả nước phục hồi lại kinh tế sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Nhìn lại tiến độ giải ngân vốn đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, đến cuối tháng 7/2022, toàn tỉnh mới giải ngân được 1.437 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 21,8% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao. Để thúc đẩy tiến độ thi công và giải ngân vốn, đích thân người đứng đầu UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế hiện trường hàng loạt dự án, công trình trọng điểm. Tại mỗi dự án, công trình, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư cần thúc đẩy tiến độ, tăng ca, tăng kíp trong quá trình thực hiện. Đối với các dự án có vướng mắc phải báo cáo để có hướng xử lý nhằm kịp thời tháo gỡ, đảm bảo tiến độ đề ra.
Các địa phương dồn sức giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: H.T |
Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra các quy định để ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư và đưa ra “tối hậu thư” với các chủ đầu tư nếu giải ngân chậm, giải ngân không hết vốn, UBND tỉnh sẽ cắt vốn, thu hồi vốn về tỉnh, không bố trí vốn lại… Với sự quyết liệt này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi đã có sự bứt phá mạnh trong tháng 8 và tháng 9 để vươn lên đứng đầu cả nước cho đến thời điểm này.
Đứng ngay sau Quảng Ngãi là Thái Nguyên với tỷ lệ giải ngân hết tháng 9 đạt 75,77% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này cũng cho thấy, ngoài việc rốt ráo với công tác giải ngân của các ngành, các cấp trên địa bàn thì yếu tố đưa đến tỷ lệ giải ngân cao chính là việc tỉnh Thái Nguyên đã xác định được công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư để có hướng giải quyết hợp lý. Theo đó, ngoài việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Thái Nguyên luôn lưu ý các sở, ngành, địa phương chú trọng công tác GPMB để nhanh có mặt bằng sạch giao cho các nhà thầu triển khai xây dựng dự án; đẩy nhanh tiến độ thi công và khẩn trương thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán vốn ngay với kho bạc khi có khối lượng hoàn thành.
Tây Ninh cũng là 1 tỉnh có sự bứt phá mạnh về tiến độ giải ngân khi đứng thứ 3 trong 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước đến thời điểm này. Thành công này cho thấy, các giải pháp được tỉnh đề ra cho công tác giải ngân đã đi vào đúng trọng tâm trọng điểm và đã được các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, tỉnh Tây Ninh đã rút kinh nghiệm, thực hiện nhanh giải ngân vốn đầu tư đến các ngành có đủ điều kiện, phấn đấu hoàn thành việc công khai vốn chậm nhất trong quý I. Rà soát, củng cố lại tổ chức bộ máy nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, đặc biệt là các ban quản lý dự án, tăng cường đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, năng lực. Đồng thời, tỉnh Tây Ninh đã xác định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong triển khai đầu tư công đối với các ngành chức năng trong triển khai các dự án.
Khẩn trương, quyết liệt giải ngân hết kế hoạch vốn
Theo quy luật chung của công tác giải ngân vốn đầu tư công, thường quý cuối cùng của năm, tỷ lệ giải ngân của các địa phương sẽ có sự thay đổi lớn. Việc hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hay không phụ thuộc rất lớn vào thời gian này. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đang rất tích cực thực hiện nhiều giải pháp để phấn đấu hoàn thành kế hoạch vốn được giao.
Đơn cử như tỉnh Khánh Hòa, để hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư dự án đốc thúc đơn vị thi công tranh thủ thực hiện phần việc trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Đặc biệt, tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đoàn thể chung tay vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Đối với những trường hợp đã áp dụng mọi chính sách và nhiều lần vận động nhưng vẫn cố tình không chịu bàn giao mặt bằng, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các chủ đầu tư phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo việc thi công đúng tiến độ.
Trước tiến độ giải ngân đang đạt dưới mức trung bình của cả nước (37,65 kế hoạch vốn được giao), bên cạnh các giải pháp thường xuyên, tỉnh Quảng Trị đã kiên quyết thực hiện điều chuyển vốn của những dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân nhanh và đang cần vốn. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị đã có các tờ trình báo cáo UBND tỉnh về việc điều chỉnh giảm kế hoạch 114 tỷ đồng của 7 dự án để bổ sung cho 6 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương có tỷ lệ giải ngân tốt; trình HĐND tỉnh điều chỉnh giảm kế hoạch 11,98 tỷ đồng của 6 dự án, nhiệm vụ để bổ sung cho 11 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương…/.