Hoàn thiện cơ sở pháp lý để huy động vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông
Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45. Ảnh: Quỳnh Ngọc |
Xây dựng cơ chế để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên
Theo ông Phạm Văn Khôi - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, việc khơi thông nguồn vốn xã hội hóa vào đầu tư hạ tầng giao thông là cần thiết. Thời gian qua, vốn này không huy động được là do thiếu cơ sở pháp lý. Mặc dù, Luật Hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đưa ra tương đối đầy đủ nhưng thực hiện về phía các nhà đầu tư không được bình đẳng với cơ quan quản lý nhà nước.
Nhà đầu tư bỏ tiền ra nhưng nhiều khi phía cơ quan quản lý nhà nước lại nghĩ rằng cách quản lý như 1 nhà thầu. Dự án PPP cũng là tiền của Nhà nước, doanh nghiệp cần được nhiều quyền quản lý để dự án nhanh hơn. Điều đó được chứng minh bằng dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Công ty Phương Thành chỉ làm trong 24 - 33 tháng. Trong khi đó, nếu dự án làm theo phương thức đầu tư công thì không có dự án nào dưới 4 - 5 năm. Doanh nghiệp đưa ra nhiều giải pháp công nghệ, kỹ thuật thi công đảm bảo chất lượng, hiệu quả chung cho doanh nghiệp và xã hội.
Một khó khăn nữa trong hút nguồn vốn PPP cũng được vị Tổng giám đốc Công ty Phương Thành chỉ ra đó là ngoài tiềm lực nhà đầu tư bỏ ra 15 - 30% so vốn chủ sở hữu, còn lại là vay từ 70 - 85% vốn ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Ngân hàng rất cảnh giác nhà đầu tư nên cần tính toán nguồn thu trả nợ thì mới cho vay. Do đó, cơ quan tư vấn, thiết kế cần "chạy sát" với phương án tài chính, thời gian thu phí dao động khoảng 15 - 20 năm, nếu quá lâu thì ngân hàng cũng không cho vay.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc - Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, hiện nay, Trường Sơn đang tham gia các gói thầu cao tốc với số vốn 25.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Muốn vậy, xác định con người là cốt lõi, đổi mới quản trị tăng cường đầu tư trang thiết bị.
Để các doanh nghiệp trong nước trưởng thành, vươn tầm như quốc tế, cần phải đoàn kết chia sẻ tham gia xây dựng doanh nghiệp mạnh lên; xây dựng bộ định mức bởi vừa qua một số dự án lỗ; sớm ban hành bộ đơn giá định mức mới; có các hành lang pháp lý; liên kết các doanh nghiệp xây lắp để cạnh tranh với các đơn vị quốc tế.
Tạo niềm tin cho các nhà đầu tư thu hút nguồn lực xã hội hóa
Theo ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các dự án BOT giao thông luôn có vốn đầu tư lớn, doanh nghiệp xây lắp phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Khi dự án không đủ doanh thu thì các ngân hàng quan ngại dự án PPP sẽ rủi ro đồng thời siết lại tín dụng dài hạn nên tác động trực tiếp đến nguồn vốn của các nhà đầu tư. Mặt khác, chúng ta có tổ chức các quy hoạch giao thông, có đường song hành đã dẫn đến phân lưu lượng xe, làm giảm doanh thu và không hấp dẫn nhà đầu tư PPP giao thông.
Để tháo gỡ các khó khăn này, Bộ GTVT đang chỉ đạo và Cục Đường cao tốc Việt Nam đang trình Chính phủ xử lý các dự án BOP giao thông và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư thu hút nguồn lực rót vốn vào dự án.
Luật PPP ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 nhưng để thực hiện được vẫn còn không kịp thời và tác động lớn. Theo Điều 82 của Luật PPP, doanh nghiệp thu phí hoàn vốn nếu vượt 132% thì phải chia sẻ 50% cho Nhà nước, nhưng nếu doanh nghiệp sụt giảm doanh thu dưới 50% thì phải trình qua nhiều cấp và huy động nguồn để bù đắp thiếu hụt doanh thu đó. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến và điều chỉnh Luật PPP phù hợp với thực tế của Việt Nam.
Để dự án PPP giao thông hoàn thành nhanh chóng, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Phương Thành cho hay các nhà đầu tư vận dụng các sự sáng tạo, kinh nghiệm học từ nước ngoài nhưng về Việt Nam không cho áp dụng. Đơn cử, khi có dự án giao thông, Nhà nước chỉ cần đưa ra đầu bài, còn nhà đầu tư sẽ tự tính toán về cấp đường, tự thiết kế và đấu thầu trong quá trình làm bàn giao đúng cho Nhà nước tiêu chuẩn và không nên tham gia quá sâu vì điều này sẽ triệt tiêu sự sáng tạo của nhà thầu.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Bộ GTVT sẽ xem xét, nghiên cứu để có những giải pháp tháo gỡ các khó khăn cho các nhà đầu tư. “Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Đường bộ, trong đó có một chương về đường cao tốc, đề nghị các doanh nghiệp là những người thực hiện trong thực tế cần tập trung nghiên cứu để có những góp ý, bộ sẽ xem xét, tiếp thu để hoàn thiện cho phù hợp.
Đã đưa vào khai thác thêm 500km cao tốc Bắc-Nam trong 9 tháng
9 tháng của năm nay, tổng số đường cao tốc Bắc-Nam được đưa vào khai thác đạt hơn 500km. Cụ thể, các đoạn tuyến Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 201-2020 đã được hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác gồm Mai Sơn - quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm.
Với hơn 95.000 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công, đến hết tháng 9/2023, Bộ Giao thông vận tải đã giao chi tiết 7 đợt với tổng số 94.135 tỷ đồng, đạt 99,97% kế hoạch; giải ngân khoảng 56.496 tỷ đồng đạt 60% kế hoạch./. |