Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng
Nhiều yếu tố góp phần tăng thu ngân sách
Đóng góp cho tổng số thu hơn 1,8 triệu tỷ đồng, thu nội địa vượt 21,8% dự toán, tăng 9,9%; thu từ dầu thô vượt 176% dự toán (giá dầu bình quân khoảng 105 USD/thùng, tăng 45 USD/thùng so dự toán), tăng 74,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 43,9% dự toán, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP tăng 8,02%); tổng mức bán lẻ tăng 19,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,8%, xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%, xuất siêu 11,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.
|
Một số khoản thu có mức vượt khá so với dự toán như: thuế thu nhập cá nhân vượt 38,5%, chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán, bất động sản tăng trưởng mạnh trong năm 2021, quyết toán thuế năm 2021 từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán... được nộp trong quý I/2022.
Ngoài ra, các khoản thu về nhà, đất vượt 54,5% do thị trường bất động sản duy trì đà phát triển từ cuối năm 2021, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, đôn đốc thu tiền sử dụng đất và xử lý thu hồi nợ đọng của các dự án đã thực hiện giao đất, góp phần tăng thu tiền sử dụng đất năm 2022 so dự toán.
Thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của NSNN tăng 17% chủ yếu do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2022 đã có sự hồi phục, đồng thời phát sinh khoản thu tiền cổ tức năm 2020 được chia trong năm 2022 của 2 ngân hàng Vietcombank và Vietinbank khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng, qua đó góp phần tăng thu ngân sách cho lĩnh vực này.
Cùng với đó, cơ quan Thuế, Hải quan cũng tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu để đưa vào quản lý, quyết liệt quản lý, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng; ước thu cả năm 2022 từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021 (hơn 20 nghìn tỷ đồng). Qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu ngân sách trong năm.
Nhờ đó, có 10 khoản thu vượt dự toán, trong đó thu từ nhà, đất đạt 154,5%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 118,2% và các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 3 khu vực kinh tế (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 114,3% dự toán, tăng 7,4% so với năm trước; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 117,6% dự toán, tăng 11,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 121,5% dự toán, tăng 5,9%).
Còn 2 khoản thu không đạt dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 72% dự toán, bằng 73,3% so cùng kỳ) do thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 tác động làm giảm thu NSNN và thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đạt 12,1% dự toán) do tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm.
Tổng chi ngân sách năm 2022 ước đạt 87,5 dự toán
Về chi NSNN, theo Bộ Tài chính, tổng chi NSNN 12 tháng ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 82,8% dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, đạt 75,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (bao gồm cả vốn chương trình mục tiêu năm trước chuyển sang và vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội); chi trả nợ lãi đạt 94% dự toán; chi thường xuyên đạt 92,4% dự toán.
Các nhiệm vụ chi NSNN 12 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ chi được tiếp tục thanh toán đến hết ngày 31/1/2023 (thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách năm 2022) hoặc sẽ tiếp tục được chuyển nguồn sang năm 2023 thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.
Đáng chú ý, ngân sách trung ương trong năm 2022 đã chi từ dự phòng (bao gồm dự phòng năm 2021 chuyển sang) là khoảng 6,33 nghìn tỷ đồng; trong đó bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương 2,28 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ cho các địa phương hơn 4 nghìn tỷ đồng..., chủ yếu là kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tạm cấp bổ sung hơn 4,36 nghìn tỷ đồng cho 32 địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, đã thực hiện xuất cấp 30,37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Riêng về chi đầu tư phát triển, giải ngân 12 tháng ước đạt 75,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 77,3%), trong đó giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 33,65% kế hoạch (cùng kỳ năm 2021 đạt 26,77%). Có 12 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch, trong khi vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương và 7 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 50% kế hoạch vốn được giao.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Năm 2022, đã thực hiện phát hành 214,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,67 năm, lãi suất bình quân 3,48%/năm./.