Nâng giá trị xuất khẩu cho ngành hàng cà phê
Thu hoạch cà phê theo mô hình liên kết (hợp tác xã) ở Tây Nguyên. Ảnh: TL |
Chủ yếu vẫn xuất khẩu nguyên liệu thô
Theo thống kê, cả nước có khoảng 710.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên. Ghi nhận tại thời điểm này, giá cà phê thế giới tăng gần 50 USD/tấn, đẩy giá nội địa tiếp tục tăng vượt mốc 82.000 đồng/kg, mức cao nhất từ trước tới nay.
Giá cà phê arabica trên sàn New York, kỳ hạn giao tháng 3 tăng 1,55 cent lên 190,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 cũng tăng 1,55 cent lên 186,7 cent/lb.
Thị trường cà phê Tây nguyên tiếp tục xu hướng tăng giá bình quân 500 đồng/kg. Đắk Nông là địa phương có giá cao nhất 82.100 đồng/kg, tại Đắk Lắk 82.000 đồng/kg, Gia Lai 81.900 đồng/kg, riêng Lâm Đồng 81.300 đồng/kg. Đây thực sự là tin vui cho người trồng, chế biến kinh doanh và xuất khẩu cà phê cả nước.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tại Tây Nguyên và trong nước cho biết, đã kín đơn hàng trong quý I/2024.
Lãnh đạo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam xác nhận, các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê. Trong năm qua, các doanh nghiệp ở Việt Nam xuất khẩu gần hết lượng hàng tồn kho. Các doanh nghiệp trong nước liên tục tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam, bởi cà phê Việt Nam đang trở thành lựa chọn hàng đầu ở phân khúc Robusta.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù diện tích trồng lớn, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê thu được cao, nhưng giá trị thu về chưa như mong muốn do tỷ lệ cà phê chế biến sâu còn thấp, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô. Tính chung trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, xuất khẩu cà phê chế biến tăng trưởng bình quân hơn 15%/năm.
Theo ông Thái Như Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, tỷ lệ cà phê chế biến sâu xuất khẩu rất thấp, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô cho đối tác nước ngoài.
Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, mặc dù có gần 100 nghìn ha cà phê nhưng địa phương vẫn chỉ tập trung vào sản lượng xuất khẩu thô là chủ yếu. Theo ông Có, một trong những nguyên nhân cà phê chỉ xuất khẩu thô được do số lượng nhà máy chế biến còn quá ít và nhỏ lẻ (cả tỉnh có khoảng 80 nhà máy và cơ sở chế biến) nên tỷ lệ cà phê qua chế biến chỉ khoảng 5% - 6%, còn lại là xuất thô. Còn tại tỉnh Đắk Nông với gần 140.000ha cà phê cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, làm ra nhiều mà xuất khẩu thô là thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp Việt, nhất là người trồng cà phê. Thiệt thòi trước hết là giá bán thấp, không đạt lợi nhuận như mong đợi. Ví dụ, nếu xuất khẩu thô (cà phê nhân) thì giá bán chỉ được khoảng 2.400 USD/tấn, trong khi giá bán 1 tấn cà phê chế biến trung bình lên tới 3.600 USD; chưa kể chi phí vận chuyển cà phê nhân cao hơn.
Mặc dù giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng chủ yếu là xuất thô nên giá trị thu được còn rất thấp, trong đó cà phê là một trong những sản phẩm nông sản có giá trị xuất khẩu lớn, nhưng lại chủ yếu xuất khẩu thô. Do đó, cần phải đầu tư và ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch để nâng tầm giá trị sản phẩm.
Đầu tư công nghệ chế biến sâu cho cà phê để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD
Theo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, sản lượng cà phê chế biến và tiêu thụ trong nước ngày càng tăng. Lượng cà phê nhân được sử dụng chế biến và tiêu thụ nội địa ước tính khoảng 250.000 tấn - chiếm 16% tổng sản lượng (so với mức dưới 10% của số liệu trung bình 10 năm gần nhất). Dự báo, lượng cà phê nhân được sử dụng tại thị trường trong nước dự kiến tiếp tục tăng.
Không dừng lại ở đó, các chuyên gia cũng cho rằng, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong năm nay, khi mặt hàng này còn nhiều dư địa để duy trì mức giá cao. Cụ thể, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng cho đến khoảng hết nửa đầu năm 2024 do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng căng thẳng trên Biển Đỏ; giá cà phê Arabica cũng chưa thể giảm do tồn kho đạt chuẩn vẫn đang rất thấp.
Thu hoạch cà phê chính vụ tại Gia Lai. Ảnh S.Nam |
Đặc biệt, nguồn cung cà phê thế giới trong năm 2024 được các cơ quan chuyên môn dự báo khá lo ngại khi sản lượng tại các quốc gia xuất khẩu đứng đầu đều giảm mạnh. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng tại hai quốc gia cung ứng lớn là Brazil và Indonesia giảm lần lượt 6,2% và 8% so với niên vụ 2022/2023.
Các thị trường tiêu thụ cà phê chế biến của Việt Nam hiện nay gồm Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia trong khu vực châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Theo các chuyên gia, cà phê chế biến được xem là một trong những lời giải cho bài toán nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cà phê, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.
Vì vậy, để nâng tầm giá trị, không có cách nào khác, cần phải đầu tư công nghệ chế biến sâu cho cà phê, bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, tình trạng dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó, đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu. Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.
Theo đó, để nâng cao chất lượng và giá cà phê xuất khẩu, nâng tầm sản phẩm cà phê Việt trên thị trường thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng Tây Nguyên đang thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn thế giới. Nhiệm vụ chính của đề án là xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn của quốc tế và đặc biệt hướng đến cà phê giảm phát thải./.