Phú Yên đã có kết quả thống kê đất đai năm 2020
Năm 2020, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh Phú Yên là 502.596 ha. Ảnh: DH |
Qua kết quả thống kê đất đai năm 2020, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh Phú Yên là 502.596 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 428.213 ha, chiếm 85,20% diện tích tự nhiên; đất phi nông nghiệp là 56.601 ha, chiếm 11,26% diện tích tự nhiên; đất chưa sử dụng là 17.782 ha, chiếm 3,54% diện tích tự nhiên, chủ yếu là đất đồi chưa sử dụng.
Đất phi nông nghiệp toàn tỉnh Phú Yên có 56.601 ha, chiếm 11,26% diện tích tự nhiên.
Diện tích đất chưa sử dụng là 17.782 ha, chiếm 3,54% diện tích tự nhiên. Theo hiện trạng thì nhóm đất chưa sử dụng chủ yếu là đất mới bồi, khu vực đất núi đá không có điều kiện đưa vào sử dụng.
Ngoài 3 loại đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng còn thống kê đất có mặt nước ven biển. Theo đó, năm 2020 toàn tỉnh Phú Yên có 2.216,7 ha đất có mặt nước biển đang được sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản và mục đích khác.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, tình hình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhìn chung ổn định, đúng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Để nắm chắc, quản lý chặt chẽ tài nguyên đất, lập quy hoạch, kế hoạch để sử dụng tài nguyên hữu hạn này hiệu quả và bền vững, góp phần hoàn thiện và đưa công tác thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất định kỳ thành nề nếp, UBND tỉnh Phú Yên có một số kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ Tài nguyên và Môi trường xuyên suốt đến tận xã, phường vì đa số cán bộ địa chính xã, phường hiện nay trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành còn yếu nên việc triển khai công tác chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn.
Đồng thời, đề nghị giải quyết việc chồng lấn ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định tại xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân và xã Canh Hòa, huyện Vân Canh vì đã qua nhiều lần giải quyết nhưng chưa có kết quả.
Trong thời gian tới cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nâng cao chất lượng cán bộ trong công tác quản lý hồ sơ địa chính, cập nhật biến động sử dụng đất. Chú trọng công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất đai nhằm hiện đại hóa hệ thống công tác quản lý và cập nhật, chỉnh lý biến động nguồn dữ liệu đất đai thống nhất từ trung ương đến địa phương.