Thái Bình tăng cường quản lý nhà nước về đất đai
Thái Bình tăng cường quản lý nhà nước về đất đai. Ảnh TL minh họa |
Khắc phục kịp thời những yếu kém trong quản lý đất đai
Thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có những chuyển biến tích cực, dần đi vào nề nếp; việc sử dụng đất ngày càng hiệu quả, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương còn tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, vi phạm trong việc sử dụng đất chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Cá biệt có địa phương có biểu hiện buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra vi phạm không xử lý, đùn đẩy lên cấp trên...
Để kịp thời khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai của UBND cấp huyện, cấp xã, tại Chỉ thị, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố tiếp tục quán triệt thực hiện Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, kịp thời phát hiện các vấn đề chồng chéo, chưa đồng bộ, thiếu sót chưa phù hợp trong quy định của pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản (BĐS)… để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thành phố tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa BĐS vào kinh doanh, chuyển nhượng phải đủ các điều kiện theo quy định của luật về đất đai, pháp luật về đầu tư. Có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Chỉ thị của UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương lập và hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tích hợp trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 theo quy định. Thực hiện việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, giao đất, cho thuê đất… theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, bảo đảm quy trình và hoàn thành đẩy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định…
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã phường, thị trấn phải thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn đến từng thôn, khu phố và cộng đồng dân cư liên quan đến việc thực hiện các quy định pháp luật về đất đai. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBDN tỉnh về việc để xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn vi phạm công tác quản lý, sử dụng đất đai. Xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, chuyển nhượng đất trồng lúa không đúng đối tượng, đầu cơ đất chờ quy hoạch, giao đất không đúng thẩm quyền…
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác quản lý sử dụng đất
Tại Chỉ thị số 10/CT- UBND về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai và các lĩnh vực khác có liên quan đến quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phải thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý sử dụng đất đai, trong đó có thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai của UBND cấp huyện, cấp xã; công khai các vi phạm về quản lý sử dụng đất đai của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Sở Xây dựng có trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh. Rà soát, nắm kỹ tình hình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp cụ thể để chỉ đạo nhằm chấm dứt tình trạng xây dựng các khu dân cư mới không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và không đảm bảo việc xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ theo quy chuẩn xây dựng và các quy định pháp luật có liên quan.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát và kiểm tra, giám sát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, phát hiện kịp thời, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm của nhà đầu tư theo quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các chức năng của mình trong việc thẩm định giá đất, đôn đốc việc thu nộp tiền sử dụng đất, hướng dẫn triển khai các quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa…
Ngoài việc đưa ra các yêu cầu trong công tác quản lý sử dụng đất trên địa tỉnh, UBND tỉnh Thái Bình còn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo và định kỹ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 25/12 hàng năm./.