Thu 15,6 nghìn tỷ đồng thuế thương mại điện tử từ nhà cung cấp nước ngoài
Thu 15,6 nghìn tỷ đồng thuế thương mại điện tử từ nhà cung cấp nước ngoài. Ảnh: TL |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, là các tập đoàn công nghệ Facebook, Google, Microsoft, Tiktok… đã thực hiện đăng ký và nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về thương mại xuyên biên giới; đến nay đã nộp được 15,6 nghìn tỷ đồng thuế thương mại điện tử” -
Về giải pháp chống thất thu thuế - một trong ba thách thức lớn với thương mại điện tử - mà đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, theo thống kê, nộp thuế trong lĩnh vực này năm 2023 tăng trên 16% so với năm 2022, tuy nhiên còn thất thu. Bộ tích cực phối hợp với ngành Thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử chia sẻ liên thông với các bộ, ngành để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan; khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công thương và Tổng cục Thuế để trao đổi dữ liệu các website ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trong tháng 6-2024.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết thêm, sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất, nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo đó, sẽ tách bạch giữa luồng hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này. Bên cạnh đó, Bộ tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế.
Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) về việc livestream bán hàng trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, quản lý hoạt động livestream bán hàng rất khó khăn, không chỉ là trách nhiệm của ngành Công thương mà là của nhiều ngành. Bộ Công thương sẽ chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát và xử lý; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường đấu tranh làm rõ những hành vi sai phạm.
Đồng thời, với việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, bảo đảm hoàn thiện, nâng cao vai trò quản lý nhà nước, đối với các trường hợp vi phạm, Bộ sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định.