Thực hiện miễn giảm thuế, triệt để tiết kiệm chi
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: TL |
Tiết kiệm được 83.000 tỷ đồng kinh phí, vốn nhà nước năm 2023
Tại phiên họp ngày 20/5 Kỳ họp thứ 7, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Báo cáo về kết quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, công tác THTK, CLP được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Báo cáo cụ thể về một số kết quả nổi bật, trong năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua 16 luật, 29 nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 92 nghị định, 264 nghị quyết, 34 quyết định quy phạm pháp luật, 32 chỉ thị; các bộ, ngành đã ban hành 372 thông tư; các địa phương đã ban hành 8.066 văn bản quy phạm pháp luật nhằm tập trung đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ vướng mắc.
Thu NSNN năm 2023 thực hiện đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, tăng 133,4 nghìn tỷ đồng (tăng 8,2% so với dự toán). Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng. Chi NSNN năm 2023 ước đạt 2.109,9 nghìn tỷ đồng, bằng 101,6% dự toán, tăng gần 74 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai. Tổng số kinh phí, vốn nhà nước tiết kiệm trong năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83 nghìn tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, quy mô nợ công/GDP ước khoảng 37%, nợ Chính phủ/GDP ước khoảng 34% và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu NSNN khoảng 19%, trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Ước vay, trả nợ Chính phủ bảo lãnh năm 2023 trong hạn mức được duyệt, tổng dư nợ bảo lãnh đến ngày 31/12/2023 ước khoảng 279.719 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,7% GDP, giảm 18.243 tỷ đồng so với năm 2022.
Giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 29,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 83% kế hoạch giao năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 2,93%.
Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2023 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tính đến ngày 31/12/2023, đã cập nhật 2,23 triệu tài sản với nguyên giá là 2,3 triệu tỷ đồng.
Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công góp phần khởi công mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án, công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư phát triển; đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024
Nhưng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, kết quả THTK, CLP trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Chẳng hạn như tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để; tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường vẫn diễn ra; vẫn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép; tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm…
Hơn nữa, việc cắt giảm thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt; thủ tục hành chính một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Việc sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập.
Vì thế, báo cáo của Chính phủ đã nêu 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp để THTK, CLP năm 2024; trong đó các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu THTK, CLP; hoàn thiện quy định pháp luật liên quan; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí…
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Uỷ ban cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ. Nhận thức, trách nhiệm về THTK, CLP được cải thiện, công tác hoàn thiện thể chế, ban hành chương trình THTK, CLP tích cực, chủ động, thể hiện tính kế thừa và phát triển.
Để công tác này hiệu quả hơn, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án quan trọng quốc gia góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Đồng thời đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; nghiên cứu, có giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh…
Cùng với đó là có giải pháp hữu hiệu, tăng hiệu quả, THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân thông qua ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng; điều hành hợp lý tỷ giá, lãi suất; giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong lưu thông, phân phối, tháo gỡ khó khăn cho các thị trường bất động sản, thị trường lao động.