Để con đường nông sản mới của Việt Nam ngày càng phát triển
Phát triển nông nghiệp xanh đang là xu hướng của nhiều người trẻ. |
Điểm sáng ấn tượng của bức tranh kinh tế Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tăng trưởng ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt mức 3,83% - là mức tăng cao nhất 10 năm qua. Trong khi kim ngạch xuất khẩu cả nước giảm 4,4%, xuất khẩu nông sản đạt hơn 53 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục hơn 12 tỷ USD, tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Có hơn 10 loại nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Sầu riêng - "trái cây vua" có mức tăng trưởng 66% so cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, đạt hơn 5,57 tỷ USD. Xuất khẩu gạo tăng 17,4% về lượng, 39,4% về giá trị, đạt hơn 4,8 tỷ USD. Đây là mức tăng kỷ lục về lượng, giá trị, giá bán sau 34 năm Việt Nam quay trở lại thị trường xuất khẩu gạo thế giới.
Cùng với gạo lên đỉnh thế giới là cà phê Việt liên tục lập đỉnh giá và đạt kim ngạch xuất khẩu gần 4,2 tỷ USD. Trong lịch sử xuất khẩu hơn 30 năm qua, giá cà phê năm 2023 đã tăng cao chưa từng có, mặc dù giảm 9,6% về lượng, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê vẫn tăng 3,1%, đạt gần 4,2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hạt điều cũng tăng 23,4 về lượng và 17,6% về giá trị, đạt 3,63 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngược với bức tranh sáng màu, sôi động của sầu riêng, lúa gạo, cà phê là cảnh khó khăn của cam sành, thanh long, tôm, cá tra... Khó khăn trong sản xuất, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thị trường tiêu thụ thu hẹp khiến xuất khẩu các nông sản này sụt giảm, hoặc tăng về sản lượng, nhưng vẫn giảm giá trị so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 17,5%, chè giảm 10,9%, xuất khẩu hạt tiêu tăng 16,6% về lượng, nhưng giảm 6% giá trị.
Còn nhiều nông sản phụ thuộc “xuất khẩu tài nguyên” dựa vào lợi thế tài nguyên, “xuất khẩu thô” do chủ yếu là gia công và tỷ trọng vật tư, nguyên liệu nhập khẩu còn cao. Hàm lượng tri thức, công nghệ như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa; giá trị gia tăng từ đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn chưa nhiều. Hàng năm còn phải tiêu tốn hàng chục tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu, vật tư nông nghiệp. Có đến 60% nguyên liệu phải nhập khẩu để làm thức ăn chăn nuôi, hơn 40% phân bón, nguyên liệu sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu phải nhập khẩu. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá nông dân Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư đầu vào.
Nông sản sáng tạo xanh và nông nghiệp thời trang
Cần phải có cách tiếp cận mới để “chiếc bánh nông sản” lớn thêm với cách chọn lựa “con đường nông sản mới”, không chỉ là đồng ruộng và nhà máy, mà còn là không gian sáng tạo, nông nghiệp tích hợp đa giá trị với du lịch, giải trí, thời trang. Theo đó, nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược. Để đạt được mục tiêu đó thì nông nghiệp cần tín chỉ carbon và đây sẽ trở thành một loại hàng hóa. Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của tín chỉ carbon.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon, thu về hàng trăm triệu USD. Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam thu được 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận 41,2 triệu USD từ WB chi trả cho các chủ rừng, còn lại 10,3 triệu USD sẽ nhận thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2.
Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang được tiếp cận theo cách tạo ra không gian phát triển và tích hợp đa giá trị, hàng năm giảm khoảng 10 triệu tấn carbon thu về khoảng 100 triệu USD. Việc gia tăng giá trị từ sản xuất lúa giảm phát thải nhà kính để có thể bán tín chỉ carbon cũng là cách tiếp cận kinh tế mới mang nhiều trách nhiệm xã hội và môi trường.
Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn không chỉ giảm phát thải khí CO2 ra môi trường mà còn gia tăng chuỗi giá trị nông sản, biến chất thải chăn nuôi, thủy sản thành phân bón hữu cơ, gia tăng giá trị nông sản hàng chục, hàng trăm lần. Việc áp dụng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng yêu cầu đa dạng, ngày càng cao của khách hàng.
Cần có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể
Để nâng cao giá trị nông sản, cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để nông sản phát triển bền vững trong tương lai. Cần có chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng và cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện. Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ, chủ động ứng phó, tạo ra giá trị gia tăng dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Ngành Nông nghiệp cần tiếp tục lan tỏa sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế và tạo ra không gian giá trị cho nông nghiệp du lịch, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp thời trang. Giá trị sáng tạo không chỉ là bánh mì, mì tôm thanh long, các sản phẩm sau gạo, tôm, cá tra làm chất dẫn dụ thủy sản, dược phẩm, collagen có giá trị gia tăng cao. Có thể là tơ sợi từ khóm dệt nên áo bà ba, khăn rằn và các sản phẩm thời trang sáng tạo khác trên các thảm đỏ với người đẹp và du lịch. Những thứ vô hình chúng ta chưa khai thác có thể còn mang giá trị nhiều hơn cái hữu hình mà ta đang theo đuổi.
Sự tích hợp với các nguồn lực vật chất, từ lợi thế tự nhiên, các nguồn tài chính, khoa học công nghệ; đặc biệt là nguồn lực con người trong mối liên kết các tác nhân quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản. Việc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh nông nghiệp mới đòi hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa khoa học công nghệ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây dựng hệ thống kiểm soát chất luợng tin cậy làm công cụ, xây dựng các tác nhân nòng cốt tham gia chuỗi và huớng đến cộng đồng.
Không gian phát triển và con đường nông sản mới đang mở ra phía trước từ tư duy mới, cách tiếp cận mới và cách thức giải bài toán nông nghiệp và chọn con đường đi mới. Đó là hướng đi của “con đường nông sản mới” từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.