Bổ sung thêm một số quy định trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Còn nhiều bất cập khiến việc khai thác, quản lý, sử dụng tài sản chưa hiệu quả
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, qua gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị định số 33/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được giải quyết.
Sửa quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ảnh TL minh họa |
Đơn cử như việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chưa phản ánh hết tính chất đặc thù của từng loại tài sản. Hiện nay việc khai thác loại tài sản này chủ yếu thực hiện theo phương thức trực tiếp tổ chức khai thác, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện và chưa thực sự phát huy được hiệu quả nguồn lực tài chính từ khai thác tài sản công này.
Hơn nữa, việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo một số hình thức như: Sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao; bán tài sản… không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tế hiện nay. Đồng thời một số loại tài sản (như nhà hạt quản lý đường bộ) không còn nhu cầu sử dụng hoặc thay đổi quy hoạch đã được loại ra khỏi danh mục tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhưng chưa có cơ chế để thực hiện chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; một số loại tài sản trong quá trình thực hiện xử lý cần phải có ý kiến của đối tượng bị ảnh hưởng có liên quan.
Bên cạnh đó, hoạt động kế toán, báo cáo tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chưa được đầy đủ và kịp thời; việc cập nhật thông tin, số liệu vào Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn chậm, chưa đầy đủ các chỉ tiêu thông tin đầu vào, đầu ra.
Bổ sung thêm phương thức quản lý
Từ những bất cập đã được chỉ ra, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thay thế cho Nghị định số 33/2019/NĐ-CP.
Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện nay chưa phản ánh hết tính chất đặc thù của từng loại tài sản. Ảnh TL minh họa |
Để phù hợp với tính chất đặc thù của từng loại tài sản và thực tế hiện nay, dự thảo Nghị định đã bổ sung phương thức "Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ"; đồng thời quy định cụ thể về phạm vi của các phương thức khai thác bao gồm cả trường hợp khai thác toàn bộ hoặc một phần của từng tài sản. Trường hợp khai thác một phần của từng tài sản phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với phần tài sản còn lại. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bỏ quy định không cho thuê đối với một số tài sản là đường, cầu, hầm...
Về nội dung của các phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, căn cứ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thực tế hiện nay, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về nội dung của phương thức khai thác chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Cụ thể, dự thảo quy định việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là việc Nhà nước chuyển giao quyền thu phí sử dụng đường bộ cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện trong một thời hạn nhất định theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.
Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản được xác định cụ thể trong từng hợp đồng chuyển nhượng nhưng tối đa không quá thời gian sử dụng còn lại của tài sản theo quy định của pháp luật.
Việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thu phí theo quy định của pháp luật và không thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện có đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quy định tại Điều 15 của Nghị định này.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra quy định cụ thể điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu giá khai thác tài sản phải đáp ứng các điều kiện: Có ngành nghề kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phù hợp với việc quản lý, vận hành, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và có kinh nghiệm vận hành, kinh doanh công trình hạ tầng giao thông đường bộ tối thiểu 2 năm; báo cáo tài chính của doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong 2 năm liền kề theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được kiểm toán theo quy định hoặc văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế.
Trường hợp khai thác tài sản theo phương thức chuyển nhượng quyền khai thác tài sản thì có thêm điều kiện: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tối thiểu là 15% tổng mức đầu tư của dự án nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, nội dung của hợp đồng khai thác tài sản theo các phương thức (chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản, cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản) sẽ bổ sung quy định giá trị hợp đồng khai thác với hình thức thu tiền một lần cho cả thời gian khai thác, được thanh toán tối đa 2 lần trong vòng 90 ngày kể từ ngày ký hợp đồng. Trường hợp giá trị trên 1.000 tỷ đồng được thanh toán tối đa 3 lần trong vòng 180 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.
Đồng thời dự thảo nghị định cũng bổ sung điều kiện điều chỉnh hợp đồng. Theo đó, trường hợp doanh thu thực tế của năm mà doanh nghiệp nhận khai thác tài sản thu được lớn hơn 125% so với mức doanh thu của năm trong phương án tài chính theo hợp đồng thì điều chỉnh hợp đồng thông qua ký phụ lục hợp đồng theo nguyên tắc nộp bổ sung 50% phần doanh thu tăng thêm trên 125% vào tài khoản tạm giữ theo quy định.