Vĩnh Phúc: Khơi thông nguồn lực đất đai, tạo bứt phá cho tăng trưởng kinh tế
Tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” trong giải phóng mặt bằng
Ông Nguyễn Kim Tuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, thời gian qua đơn vị đã chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh, xây dựng Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và hoàn thiện các dự thảo quy định hướng dẫn thực hiện pháp luật về đất đai. Trong đó, đã cơ bản hoàn thành công tác lập Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 cho các huyện, thành phố và hoàn thành việc thẩm định.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương trong việc đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách về bồi thường phải vừa bám sát với thực tiễn, vừa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Ảnh: TL |
Theo ông Tuấn, việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện rất kỹ, tuân thủ quy định pháp luật và được tích hợp cơ bản đầy đủ nhu cầu của các ngành, địa phương; đồng thời, thực hiện theo hướng dự báo dài hạn và linh hoạt theo cơ chế thị trường để quy hoạch sử dụng đất thực sự trở thành công cụ định hướng cho việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh cho tất cả các ngành, địa phương.
Song song với đó, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương trong việc đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách về bồi thường phải vừa bám sát với thực tiễn, vừa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
Bước đầu, Vĩnh Phúc đã tháo gỡ được vướng mắc lớn nhất về giá bồi thường, hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng, đồng thời khuyến khích được người dân tự nguyện thực hiện các quyết định thu hồi đất, tạo điều kiện cho việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các sở, ngành liên quan để tăng cường tập trung kiểm tra các dự án đã được giao đất, nhất là các dự án nhà ở, đô thị, dự án có vị trí dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường huyết mạch..., chậm triển khai theo quy định pháp luật. Trong tháng 6/2021, Sở TN&MT đã kiểm tra 6 đơn vị; tháng 7 và các tháng tiếp theo, sở tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra và dự kiến kiểm tra tiếp trên 40 đơn vị có dấu hiệu chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng để báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định.
Nhờ chủ động vào cuộc, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tháo gỡ được nhiều “điểm nghẽn” công tác giải phóng mặt bằng phục vụ việc thực hiện các dự án đầu tư công, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế.
Khắc phục tình trạng cấp quyền sử dụng đất chậm muộn
Ông Nguyễn Kim Tuấn chia sẻ thêm, cùng với việc tập trung tháo gỡ được các “điểm nghẽn” trong giải phóng mặt bằng, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy trình nội bộ thủ tục hành chính về đất đai để hỗ trợ triển khai phần mềm thực hiện kiểm soát quy trình giải quyết hồ sơ. Mặt khác, để kịp thời khắc phục tình trạng hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân thời gian qua bị chậm muộn, gây bức xúc cho nhân dân.
Đặc biệt, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã thành lập 3 tổ công tác để kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ. Theo đó, các tổ công tác đã tiến hành rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chuyên môn để kịp thời giải quyết hồ sơ còn tồn đọng.
Đồng thời, đơn vị cũng đã tiến hành điều chuyển cán bộ, bổ sung, tăng cường cán bộ lãnh đạo, cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn để hỗ trợ các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai có tỷ lệ hồ sơ chậm muộn cao. Xây dựng kế hoạch cụ thể về thời gian hoàn thành, yêu cầu viết thư xin lỗi công dân. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ chậm muộn đã được giải quyết 1429/2766 hồ sơ chậm hạn, đạt 51%, tỷ lệ viết thư xin lỗi công dân đạt hơn 80%.
Ngoài ra, sở đã thông báo tuyển dụng công khai lao động hợp đồng có trình độ chuyên môn về lĩnh vực quản lý đất đai để bổ sung nguồn nhân lực, đáp ứng hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Công tác quản lý đất đai ở Vĩnh Phúc, luôn được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm 2021 đến nay, Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề về công tác quản lý đất đai, cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai, giao chỉ tiêu xử lý vi phạm về đất đai và giải quyết dứt điểm đơn thư của dân.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhắc nhở, phê bình các đơn vị thực hiện chưa tốt công tác quản lý đất đai, chậm trễ trong xử lý vi phạm. Thanh tra tỉnh và thanh tra chuyên ngành cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra về sử dụng đất, về trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở TN&MT đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, đáng chú ý nhất là chính sách về thưởng giải phóng mặt bằng nhanh được thể chế hóa thành Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Đến nay, sở đã thẩm định xong Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 của cả 9/9 huyện, thành phố, tham mưu với tỉnh thu hồi, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và giao cho thuê đất để thực hiện 16 công trình, dự án với tổng diện tích hơn 223ha.
Để hạn chế tình trạng chậm, muộn trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến người dân bức xúc, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã thay thế một số cán bộ các Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện, bổ sung cán bộ có năng lực cho các đơn vị có tỷ lệ hồ sơ chậm, muộn cao, thành lập các tổ kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ… Nhờ đó, tỷ lệ hài lòng của người dân về hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có chuyển biến đáng kể. Nổi bật là thành phố Vĩnh Yên, các huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc…
Đến thời điểm hiện tại, công tác quản lý đất đai của Vĩnh Phúc đã bước đầu đi vào nền nếp, nhờ đó khơi thông được nguồn lực đất đai, góp phần tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.