Báo cáo giám sát là" liều kháng sinh mạnh" chống căn bệnh thất thoát, lãng phí
Lãng phí từ các trụ sở công bỏ hoang
Đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân cho rằng, lãng phí là vấn nạn quốc gia, còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Việc Quốc hội lựa chọn lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để giám sát tối cao là lựa chọn đúng và trúng. Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc khoa học, khách quan, cụ thể và có kết quả rất thuyết phục, đã làm rõ thực trạng việc thực hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
ĐB cho biết, công tác quản lý đất, nhà đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp hay do di chuyển về địa điểm mới thời gian vừa qua còn kém hiệu quả, nhiều cơ sở để hoang hóa, xuống cấp gây lãng phí, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Cử tri nhiều lần có ý kiến đề nghị xử lý vấn đề này nhưng chưa có hiệu quả.
ĐB Trần Đình Gia đề nghị Chính phủ khẩn trương tiến hành lập và phê duyệt các quy hoạch theo luật định; quan tâm đầu tư hạ tầng, đầu tư các điều kiện để quản lý nhà nước đối với các tỉnh khó khăn, góp phần để nâng cao thu hút đầu tư giúp các tỉnh này có nguồn thu ngân sách tốt hơn trong tương lai…
Đây cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) nêu vấn đề: Khi sắp xếp, sáp nhập cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là khi sáp nhập các đơn vị cấp huyện và xã ở các địa phương thì đất đai, trụ sở các cơ quan ở nhiều nơi bị bỏ hoang gây lãng phí.
ĐB Phạm Thị Kiều cho biết, trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai là lĩnh vực nóng sốt, nhạy cảm, phức tạp nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan lại chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề còn tồn tại, dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí.
Theo các ĐB, cần tăng cường hơn nữa thực hiện quy chế dân chủ cơ sở luôn đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên và trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng khi thi hành công vụ. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý và nghiêm xử lý nghiêm các vi phạm.
Theo ĐB Phạm Thị Kiều, việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật có liên quan là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm khắc phục những khiếm khuyết tồn tại trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
ĐB Đặng Thị Bích Ngọc (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể để khắc phục tình trạng trụ sở dôi dư sau khi sáp nhập.
Phải quy được trách nhiệm thuộc về ai
Lãng phí đầu tư qua nhiều nhiệm kỳ là vấn đề được ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nêu. Theo ĐB, dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An được xây dựng trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay đã qua 3 nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ, 3 nhiệm kỳ Bộ trưởng nhưng vẫn chưa hoàn thành. 119 hộ dân vùng lòng hồ của dự án thuộc bản Thanh Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã không thể tách hộ, không thể giao dịch bất động sản phát triển sản xuất, hàng năm lãng phí khoảng 17 tỷ đồng từ nhà máy thủy điện trong lòng hồ do không thể tích nước phát điện.
ĐBQH Trịnh Xuân An: Báo cáo giám sát chuyên đề là “liều kháng sinh” đủ mạnh để chống thất thoát, lãng phí. |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do dự án phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia phải mất nhiều thời gian, bố trí không đủ vốn, không kịp thời và những thay đổi của pháp luật đã làm chậm tiến độ, làm tăng vốn đầu tư, đến nay vẫn còn tiếp tục vướng mắc về pháp luật đầu tư công. Khi được phân bổ vốn đầu tư công thì đơn giá xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi rừng và trồng rừng thay thế đã tăng rất cao, nên phải xin điều chỉnh chủ trương. Chính phủ gần như đứng vai trò trung gian làm thủ tục xin Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư. Dự án cứ thế trong vòng luẩn quẩn, đến nay vẫn chưa triển khai được.
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đánh giá cao báo cáo giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát, nhưng ĐB quan tâm đến kết quả của chuyên đề này. ĐB trích lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tác hại của lãng phí, tham ô có hại nhưng lãng phí có hại hơn tham ô nhiều.
“Báo cáo đã làm rõ được vấn đề này. Các con số biết nói, hàng nghìn dự án chậm tiến độ, hàng trăm nghìn ha đất thất thoát lãng phí là rất xót xa. Nguyên nhân chủ quan là do con người đã được chỉ ra. Nhưng báo cáo còn thiếu trách nhiệm của chủ thể, của cá nhân, tổ chức, để làm tăng chất lượng của chuyên đề này” - ĐB Trịnh Xuân An nói.
Theo ĐB, chuyên đề này giống như “liều thuốc kháng sinh cực mạnh đặc trị”, nhưng phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai thì mới xử lý triệt để được “căn bệnh” này. Việc xử lý đúng là không dễ, nhưng theo ĐB Trịnh Xuân An, với những dự án, công trình cố ý làm sai; các công trình giao thông “biết thừa có vấn đề mà vẫn làm”, thì có thể truy được trách nhiệm.
Có ý kiến cho rằng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí không phải là vấn đề mới, nhưng vấn đề đặt ra là bao giờ mới khắc phục được. ĐB đề nghị, với những công trình không hiệu quả, làm nghèo đất nước, thì đề nghị dừng ngay./.